|
Nông dân vay vốn Ngân hàng Agribank |
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này.
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong đó năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt mức 25,5% và 21,4%, cao hơn nhiều so với tốc độ 18,24% và 13,88% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 12/2018, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1.786.353 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong đó, mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên đến 200 triệu đồng.
Kết quả đầu tư tín dụng nêu trên của hệ thống các tổ chức tín dụng đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, tạo sự bứt phá trong tăng trưởng GDP năm 2018 với mức tăng 7,08%.
Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành Ngân hàng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tính đến thời điểm cuối năm 2018, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%.
Đến nay, khắp mọi vùng, miền, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản chất lượng cao dần được hình thành từ vốn vay của Agribank.
Có thể kể đến mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)… Các mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH cũng thu được những thành tựu nổi bật. Với hơn 20 chương trình tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tổng dư nợ của ngân hàng đến nay đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới gần 94% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,81%…
Đến cuối tháng 12/2018, dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2017, với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.
Vừa qua, NHCSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…
Nguồn vốn tín dụng chính sách của ngân hàng đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH đã giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làmcho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Việc triển khai thành công các chương trình tín dụng chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua của hai ngân hàng thực sự là những kết quả đáng ghi nhận.